2024/07/12
1. Chào hỏi, cơ duyên có buổi Talkshow về chủ đề:
Xin kính chào quý vị và các bạn đang tham gia chương trình Talkshow giải đáp. Chương trình học Tiếng Nhật với chủ đề hôm nay là CHƯƠNG TRÌNH HỌC EJU. Chương trình ngày hôm nay nằm trong chuỗi Talkshow online. Đây là cơ hội để Trung tâm Nhật Ngữ Đông Du Đà Nẵng, được tương tác và giải đáp mọi thắc mắc của người học liên quan đến tiếng Nhật.
Mỗi buổi sẽ có một chủ đề, do một người đứng ra trả lời các câu hỏi. Sau đó, chương trình sẽ lần lượt trả lời những câu hỏi được hỏi trực tiếp hoặc gửi đến một cách gián tiếp. Ngoài những câu hỏi liên quan đến chủ đề hôm nay, người tham gia cũng có thể đặt bất cứ câu hỏi gì liên quan đến việc học tiếng Nhật. Và mình cũng như là trung tâm mong rằng hoạt động này có thể duy trì và sẽ mang đến những thông tin cũng như kinh nghiệm bổ ích dành cho các bạn học tiếng Nhật nói chung.
Thưa quý vị và các bạn, hôm chủ nhật vừa rồi là ngày 16 tháng 6 – ngày thi EJU lần thứ nhất của năm 2024. Trước ngày thi này, tổ chức Jasso – tức là cơ quan tổ chức kỳ thi EJU đã có một buổi chia sẻ về kỳ thi EJU. Trong phạm vi của buổi Talkshow ngày hôm nay, Trung tâm Nhật Ngữ Đông Du Đà Nẵng cũng xin được chia sẻ và giải đáp chuyên sâu về về vấn đề: “Làm thế nào để học và luyện thi EJU để có thể đậu vào các trường đại học hay là cao đẳng chuyên ngành của Nhật”.
Đầu tiên, theo trang chủ Jasso của Việt Nam: “EJU (Examination for Japanese University Admission) là kỳ thi được tổ chức với mục đích đánh giá năng lực tiếng Nhật cần thiết và trình độ kiến thức cơ bản của du học sinh người nước ngoài có nguyện vọng theo học tại các trường đại học, v.v.. của Nhật bản.”
Chúng tôi tin rằng, đối với những bạn mà có nguyện vọng thi vào các trường đại học Nhật Bản và muốn nhận được học bổng du học thì chương trình ngày hôm nay sẽ là cơ hội quý báu để các bạn cũng như là quý phụ huynh hiểu thêm về cách thức học và thi vào các trường đại học Nhật, cũng như là chúng ta sẽ có thể tìm được cho mình những người anh chị đồng hành giúp đỡ chúng ta trong quá trình học tập sắp tới.
Bên cạnh đó, trong những năm gần đây, một số trường đại học quốc lập của Nhật Bản có nguyện vọng muốn tổ chức thi tuyển sinh viên ngay tại Việt Nam, cùng với những suất học bổng và sự hỗ trợ bảo lãnh khi làm thủ tục visa đi du học. Đây là cơ hội tốt cho những bạn ngay từ khi đang ở Việt Nam đã có nguyện vọng muốn thi vào đại học Nhật. Và đó cũng chính là lý do của chương trình ngày hôm nay.
2. Phần hỏi đáp với MC:
Thầy Thắng đáp:
Để đáp lại câu hỏi vừa rồi, có nghĩa là, kỳ thi EJU có mang lại lợi ích gì đối với định hướng khi đi du học Nhật Bản? Chúng tôi là những người phụ trách đào tạo tiếng Nhật cũng có sự liên hệ rất sâu sắc đối với vấn đề đi du học ở Nhật Bản. Từ góc nhìn đó, chúng tôi nhận thấy rằng việc chúng ta tìm hiểu và hướng đến kỳ thi EJU – kỳ thi du học Nhật Bản chính là việc định hướng đi du học Nhật Bản. Tại sao chúng tôi phải nói như vậy? Bởi vì đa số các học sinh, sinh viên đi du học Nhật Bản khi chúng tôi hỏi thăm các em đi Nhật các em học gì? Đại đa số các học sinh, sinh viên đó trả lời với chúng tôi là em đi Nhật xong rồi em mới tính, hoặc là em học hai năm ở trường tiếng xong rồi em mới tính. Đó là những câu trả lời mà trong khuôn khổ chúng tôi đi dạy tiếng Nhật, những bạn học sinh, sinh viên đi du học đến với chúng tôi học tiếng Nhật, các bạn thường trả lời như vậy.
Đối với vấn đề này, chúng tôi hết sức thông cảm và cũng như là một điều rất là thường tình. Tuy nhiên, theo kinh nghiệm của chúng tôi, cũng chính bản thân tôi đây với kinh nghiệm đi du học Nhật Bản năm 2003 – khoảng 20 năm trước, trong xuyên suốt quá trình đó, rất nhiều những sinh viên cùng với tôi đi du học thời đó. Những ai được định hướng việc đi qua Nhật chúng ta sẽ học đại học, đặc biệt là các trường đại học công lập, đại học Quốc Lập – nghĩa là những trường công, những trường tốt về chất lượng – chúng ta có định hướng và thi vào các trường đó thì chắc chắn rằng 100% chúng ta cần phải thi kỳ thi EJU.
Cũng như giới thiệu của Ban Tổ chức lúc nãy về kỳ thi EJU qua trang web của tổ chức Jasso Việt Nam: Kỳ thi EJU không những dành cho những đối tượng có định hướng đi học đại học ở Nhật mà còn cho những đối tượng có định hướng đi học cao đẳng chuyên ngành và một số đối tượng khác. Chúng tôi xin nói gọn ở đây là cho đối tượng đi thi các trường đại học ở Nhật Bản. Như vậy, nếu như chúng ta xác định rằng chúng ta sẽ thi đại học thì chắc chắn là chúng ta sẽ phải thi kỳ thi EJU.
Và đối với kỳ thi EJU chúng ta sẽ thi những gì? Chúng ta sẽ thi Toán Lý Hóa, môn Sinh (là khối Khoa học tự nhiên). Khoa học xã hội có môn Toán, môn Xã Hội tổng hợp và thi môn tiếng Nhật. Như vậy, chúng ta cần phải ôn lại kiến thức Toán Lý Hóa, v.v.. và chúng ta phải làm quen với kiến thức đó ở môi trường tiếng Nhật. Nếu chúng ta không thi bằng tiếng Anh thì chúng ta phải làm quen với kiến thức đó ở phiên bản là tiếng Nhật.
Vì điều đó cho nên chúng ta sẽ cần phải có một khoảng thời gian nhất định. Như lúc nãy Ban tổ chức cũng đã giới thiệu anh Dương, anh Hà cũng đã từng thi EJU 4 lần. Mỗi anh đều có 4 lần thi. Bốn lần thi sẽ tương đương với tầm khoảng 2 năm. Trong 2 năm đó các anh đã chuẩn bị luyện thi từ trước đó rồi và các anh đã đi thi. Sau khi thi kỳ thi EJU xong thì mới được thi Đại học. Thành thử như vậy cho nên chúng ta thấy rằng nếu như mà chúng ta ở Việt Nam, chúng ta không định hướng ngay từ đầu, chúng ta không đi học đại học mà qua Nhật chúng ta mới nghĩ đến việc học đại học thì lúc đó chúng ta sẽ trở tay không kịp. Và đó chính mấu chốt của vấn đề. Đó cũng chính là ý nghĩa của chương trình ngày hôm nay.
Chúng ta phải chuẩn bị từ sớm thì việc thi mới có hiệu quả. Và điều thứ hai mà trong chương trình này có lẽ sẽ được đề cập tới, đó là, để học chương trình EJU bằng tiếng Nhật thì chắc chắn chúng ta rất cần một người đàn anh đàn chị – là người dẫn dắt chúng ta ở giai đoạn bước đầu (nghĩa là để chúng ta làm quen với chương trình học EJU). Còn nếu không có người hướng dẫn thì thực sự nó rất là khó khăn. Bởi vì việc học này tương đối khá là kỳ công.
Anh Hà đáp:
Với kinh nghiệm bốn lần thi (kể cả ở Việt Nam và ở Nhật), theo kinh nghiệm ở Việt Nam, lần gần nhất mình dự thi, mình có thể đăng ký qua trường Đại học Ngoại thương nếu ở Hà Nội và thông qua đại học Khoa học Xã hội Nhân Văn nếu ở thành phố Hồ Chí Minh. Lần gần nhất mình dự thi chi phí chắc là khoảng 290.000 VND. Về thời gian có thể sẽ khác nhau nhưng đại khái sẽ trước tầm 3 tháng.
Anh Dương đáp:
Về khối Khoa Học Tự Nhiên sẽ bao gồm Toán Lý Hóa và Sinh. Ở bên Nhật thường người ta thi Toán Lý Hóa. Vì hầu như các ngành rất là ít lấy về môn Sinh. Nếu mà thi vào các khối ngành về Nông Nghiệp hay Y, v.v.. thì mới có môn Sinh thôi. Còn hầu như sẽ là thi Toán Lý Hóa. Còn bên khối Khoa Học Xã Hội thì mình phải thi môn gọi là Sogo – giống kiểu môn Chính trị lịch sử Chính trị kinh tế nhưng mà theo cách dạy của bên Nhật. Ngoài ra, khối khoa học xã hội cũng phải thi Toán, và cả hai khối đều phải thi môn tiếng Nhật.
Anh Dương đáp:
Thực ra, thi sẽ không có chuyện đậu hay rớt mà chỉ có tính điểm cao hay thấp. Thường thang điểm chuẩn là 850 điểm (Cả 2 bên Tự Nhiên và Xã Hội). Bên khối xã hội, môn Toán là 200 điểm, môn xã hội là 200 điểm, tiếng Nhật là 400 điểm và một phần viết nữa là 50 điểm. Tổng cộng lại sẽ là 850 điểm. Còn bên khối tự nhiên, cũng tương tự như vậy. Môn Toán là 200 điểm, ngoài ra còn có một môn gọi là môn tự nhiên (rika), môn tự nhiên sẽ được chia ra làm hai môn nhỏ: Lý, Hoá hoặc Hoá, Sinh hoặc Lý, Sinh, tùy vào khối hoặc là hướng bạn chọn, tổng 200 điểm. Cuối cùng là môn tíêng Nhật. Môn tiếng Nhật cũng là 400 điểm và môn viết 50 điểm. Tổng đều là 850 điểm.
Điểm ở mỗi trường sẽ lấy khác nhau. Đương nhiên, trường tốt sẽ lấy điểm cao hơn. Tùy vào mục tiêu của mình, mình sẽ hướng đến điểm số như thế nào để cho phù hợp với nguyện vọng mình nộp hồ sơ. Tóm lại, tất cả các trường về khối tự nhiên, tất cả các trường công lập hầu như mình thấy điểm số đều phải từ 500 đến 550 đổ lên, mình mới có thể nộp hồ sơ vào các trường công lập nếu học khối Tự nhiên.
Anh Dương đáp:
Về năng lực tiếng Nhật, nếu mình quy vào thang điểm JLPT – thang điểm thi đánh giá năng lực Nhật ngữ – mình sẽ không thể quy vào một thang điểm cụ thể. Tại vì mình biết có những người học N3, thi tiếng Nhật (trong kỳ thi EJU) vẫn rất cao và cũng có những người đã học N1 nhưng thi tiếng Nhật vẫn rất thấp. Nên mình sẽ không thể nào đánh giá thông qua một năng lực tíếng Nhật nào cả. Nó phụ thuộc rất nhiều yếu tố như: khả năng bạn đọc bài nhanh hay không?; bạn lý luận, bạn có một góc nhìn bao quát về thế giới quan chẳng hạn, v.v.. thì lúc đấy bạn sẽ có một tư duy đọc bài nhanh hơn, bạn nghe nhanh hơn. Nó không có phụ thuộc quá nhiều năng lực tiếng Nhật của bạn.
Thầy Thắng chia sẻ thêm:
Cũng nhân vấn đề này, mình nghe chia sẻ của anh Dương, mình thấy cũng rất là có lý. Khi tiếng Nhật của mình mạnh thì mình sẽ giải quyết đề thi tốt hơn. Tuy nhiên, tiếng Nhật trong kỳ thi EJU là tiếng Nhật mà chúng ta sẽ đi vào đại học. Người ta xét tiếng Nhật để phục vụ cho việc học đại học. Vậy cho nên tiếng Nhật đó sẽ mang tính là tiếng Nhật Khoa học, mang tính hơi môi trường đại học một chút. Cho nên đây cũng là một loại tiếng Nhật đặc thù, chuyên dụng. Vậy nên là nó cũng không thể nào đo lường bằng một chuẩn mực tương đương với JLPT được.
Anh Hà chia sẻ:
Như thầy Thắng cũng đã đề cập, theo ý kiến chủ quan của mình, mình thấy tiếng Nhật của bên JLPT sẽ thiên về hướng gọi là tiếng Nhật ngoài xã hội nhiều hơn. Còn bên EJU sẽ là tiếng Nhật học thuật, nó sẽ thiên về khả năng nghe và đọc bài. Thường nội dung thi tiếng Nhật bên EJU sẽ là nghe các nội dung bài nghe mà các thầy cô đưa ra giống như là một tiết học bình thường ở trên đại học. Nên là nó sẽ có phần học thuật hơn.
Anh Dương đáp:
Thực ra nếu mà để nói về Toán, Lý, Hóa bên Nhật, thì ở Việt Nam, khi chúng ta thi tốt nghiệp Trung học phổ thông thì trọng tâm của chúng ta đặt là tại năm lớp 12. Còn bên Nhật, sẽ là tất cả những gì mình học ở những năm cấp ba của mình đều có thể được ra thi. Thậm chí đó là những kiến thức giảm tải mà trong chương trình cấp ba mình sẽ không được học.
Thường đề thi EJU sẽ không quá khó hoặc là phức tạp. Nghĩa là nó sẽ không làm cho câu hỏi phức tạp như lối làm đề của bên Việt Nam. Nhưng mà nó lại làm cho các câu hỏi rất rộng. Nó bao gồm tất cả những phần mình đã được học trong tất cả các năm cấp ba. Nên là nếu các bạn thực sự vững kiến thức ở các năm cấp ba thì các bạn sẽ có một lợi thế rất lớn trong việc học EJU.
Bên khối xã hội thì mình không rõ lắm. Nhưng mà về tiếng Nhật thì ngoài năng lực tiếng Nhật phải vững ra về nghe đọc nhanh thì mình nghĩ là cần phải có một góc nhìn. Nghĩa là mình phải biết nhiều. Mình biết nhiều hơn thì lúc vô đọc bài, mình sẽ tận dụng được những thông tin đã biết trước đấy để mình đọc bài thì tốc độ đọc bài của mình sẽ nhanh hơn. Vì mình đã từng đọc qua vấn đề đó rồi, mình sẽ không mất quá nhiều thời gian để mình hiểu nữa. Mình đọc câu hỏi thì mình có thể trả lời luôn. Với mình thì đó là một lợi thế nữa trong việc thi điểm. Về khối xã hội thì nhờ bạn Hà có thể giới thiệu thêm về nội dung thi của môn xã hội.
Anh Hà chia sẻ:
Thật ra môn Xã hội (Sogo) là một môn khá là mới. Ở Việt Nam chắc là chưa có môn này. Nếu đào sâu vào nội dung thì thực chất đó là sự tổng hợp giữa môn Lịch sử, Địa lý, Chính trị, Kinh tế và Xã hội của bên Nhật. Đối với môn này, mình nghĩ nếu mà đối với yêu cầu tiếng Nhật của môn so với những môn bên khối tự nhiên thì sẽ có những yêu cầu cao hơn một chút. Tại vì môn này sẽ là môn thiên về lý thuyết cần thuộc nhiều nên là phần đọc hiểu sẽ có yêu cầu tiếng Nhật cao hơn. Còn về phần nội dung kiến thức của môn này nếu mà những bạn có niềm đam mê sẵn với những môn học bài của Việt Nam như là Lịch sử, Địa lý mình nghĩ cũng không quá khó để chinh phục môn này.
Anh Dương đáp:
Về khối Toán Lý Hóa, nếu để nói tự ôn thì có thể tự ôn. Nhưng với điều kiện các bạn phải có kiến thức Toán Lý Hóa thật sự phải vững. Tất cả những kiến thức của các năm cấp ba, bạn phải nhớ hoặc phải biết những điều cần thiết. Vì thường các bạn sau khi tốt nghiệp 12 thì các bạn chỉ nhớ đúng mỗi kiến thức năm 12 còn những kiến thức năm lớp 11, lớp 10 nhất là về Lý Hóa thì đã quên gần hết.
Thứ hai, ở Việt Nam hiện tại sự chuyển dịch của thi trung học phổ thông quốc gia đang chuyển dần về hướng gọi là thi trắc nhiệm và thi khối A1. Thi khối A1 là bạn học tiếng Anh, nghĩa là thi Toán Lý Anh, ít khi mà đụng đến Hóa thì sẽ có nhiều học sinh sẽ chưa từng ôn Hóa ở những năm cấp ba. Khi bạn bắt đầu kỳ thì EJU, bạn bắt buộc phải có Hóa. Chính vì vậy, nó sẽ là một sự khó khăn không hề nhỏ với bạn nào mà không phải là thi khối A ở Việt Nam.
Thực ra, để nói mà có thể tự ôn được hay không thì nó phải phụ thuộc vào việc bạn bắt đầu ôn từ khi nào nữa. Mình biết những người mà người ta ôn EJU từ rất sớm từ năm lớp 11 chẳng hạn. Khi người ta tự học EJU lúc đấy thì kiến thức năm lớp 10, 11 người ta vẫn còn. Lúc đó người ta qua ôn Toán Lý Hóa thì rất là dễ. Vì người ta cũng sẽ học cùng một lộ trình như sách của người Nhật. Lịch sử năm 11, họ học về vấn đề này thì thì sách Nhật lúc đó cũng đang học về vấn đề đó. Họ càng học dần lên năm 12 thì kiến thức sách Nhật nó lại lặp lại năm 12. Nó sẽ có một lộ trình khá là tương đồng với nhau, bạn sẽ không quên, bạn sẽ nhớ thêm, lúc đấy kiến thức sẽ vững hơn.
Mình nghĩ là để tự học được thì nó phụ thuộc rất nhiều vào việc nền tảng của bạn nằm ở đâu?; Thời gian bạn ôn là khi nào? Đó là ý kiến của mình. Còn nếu mà không có đủ những điều trên thì thực sự nói tự ôn là rất khó. Không ai có thể tự bao quát đủ hết tất cả kiến thức lớp 10, 11, 12. Nhất là khi mình học ở môi trường Việt Nam chỉ chú trọng kiến thức 12.
Anh Hà chia sẻ:
Mình nghĩ là vẫn có khả năng tự ôn được nhưng nó sẽ phụ thuộc nhiều vào ý chí của người học. Vì thời gian học cấp ba ở Việt Nam kiến thức khá là nặng. Các bạn còn phải ôn luyện thi vừa ở Việt Nam vừa ở Nhật thì thời gian để ôn dường như sẽ gấp đôi so với những bạn bình thường. Nếu tự ôn mà không có người hướng dẫn thì sẽ rất khó biết bắt đầu từ đâu và theo lộ trình như thế nào, dẫn đến việc dễ dàng bỏ cuộc giữa chừng.
Anh Hà đáp:
Theo mình sẽ tuỳ thuộc vào năng lực tiếng Nhật của mỗi người. Đối với mình, để mà bắt đầu, khoảng thời gian lý tưởng có lẽ là vững kiến thức của cuối N3 và đầu N2. Mình học thêm kiến thức của môn tiếng Nhật bên EJU và kết hợp với những kiến thức cơ bản của những môn Khoa Học Xã Hội và Tự nhiên ở trên trường ở Việt Nam để học song song cùng với môn luyện thi EJU bên tiếng Nhật.
Anh Hà đáp:
Thật ra bản thân mình cũng là một người có đam mê sẵn với môn Địa Lý và Lịch Sử nên hai môn này không quá khó về mặt kiến thức mà vấn đề ở Tiếng Nhật. Bản thân mình lúc đó tiếng Nhật cũng chưa đủ vững, chưa thể hiểu hết được nội dung. Nhất là về mặt chữ Hán ở bên môn Sogo (môn xã hội tổng hợp) thì khá là nhiều và khó. Thời gian đó cũng khá là vất vả.
Hai lần thi ở Việt Nam, mình thi khá là sớm, gọi là thi cho biết, thi để biết được cảm giác của phòng thi chứ lúc đó cũng mới vừa bắt đầu học EJU nên cũng chưa có mục đích điểm số. Hai lần đầu gọi là thử nghiệm. Hai lần sau mới gọi là đặt ra mục tiêu điểm số để ôn luyện vào Đại Học của Nhật.
Anh Dương chia sẻ:
Riêng với mình, kinh nghiệm thi cũng bốn lần nhưng mà mình thi ba lần ở Việt Nam. Vì đợt đấy, mình gặp một số sự cố nên mình không qua Nhật sớm được. Mình ở Việt Nam thêm gần một năm nữa để mình học và mình ôn EJU. Lúc này mình có thời gian học nhiều nhất. Vì học tiếng Nhật nó không chiếm quá nhiều thời gian của mình và mình đầu tư được khá nhiều thời gian để mình học EJU.
Khi sang Nhật, bạn sẽ vướng khá nhiều việc và việc bạn tập trung vào ôn EJU cũng giảm bớt đi phần nào đấy. Mình nghĩ tốt nhất ở Việt Nam mình nên thật sự tập trung cố gắng. Lúc này bạn không phải lo đi làm, bạn cũng không phải lo tiếng Nhật. Nói chung là không phải lo quá nhiều chỉ có học thôi. Mình nghĩ lúc này các bạn sẽ cải thiện được rất là nhiều. Còn sang Nhật, các bạn sẽ tập trung vào giải đề, luyện đề nhiều hơn, tập trung nâng cao kiến thức tổng hợp, lúc đó thì sang sẽ hợp lý hơn.
Hơn nữa thi ở bên Nhật sẽ đắt hơn Việt Nam khá là nhiều. Ở bên Nhật, nếu mình nhớ không nhầm thì nó phải rơi khoảng tầm 3,6 triệu/ lần thi. Nghĩa là khoảng tầm 2 man mấy. Khá là đắt. Nếu bạn nào tranh thủ cố gắng học ở Việt Nam thì mình nghĩ là sẽ đáng hơn nhất nhiều. Vì Việt Nam thi rất là rẻ. Ở Việt Nam sẽ ít người thi hơn. Với cách họ canh phòng thi nó sẽ thoải mái hơn so với bên Nhật rất là nhiều. Mình tự tin hơn. Hơn nữa ở Việt Nam sẽ không có hà khắc như bên Nhật. Nghĩa là thời gian nó không có quá là nghiêm ngặt như bên Nhật, bạn có thể ráng làm thêm một câu nữa ở Việt Nam. Đó là kinh nghiệm mình đúc kết được khi thi ở Việt Nam.
Ở Việt Nam, mình bắt đầu học EJU ngay từ lúc mình bắt đầu học tiếng Nhật, bắt đầu từ lúc định hướng đi sang Nhật luôn. Lúc mới bắt đầu học có nhiều cái khó, thi lần đầu điểm cũng không được cao lắm, thi lần hai bắt đầu tăng điểm lên một tí, thi lần ba các bạn sẽ cảm nhận thấy là độ vững của mình sẽ tăng dần tăng dần lên cùng với việc mình học.
Thầy Thắng chia sẻ thêm:
Liên quan đến ý của anh Dương và anh Hà chia sẻ về vấn đề thi ở Việt Nam và thi ở Nhật. Bởi vì kỳ thi EJU này có rất ít người trong số những người Việt Nam đi du học ở Nhật có định hướng đi thi đại học, cho nên kỳ thi EJU này thông tin cũng không có được nhiều. Ví dụ như là tôi đang ở Đà Nẵng thì lại không có được tổ chức kỳ thi này. Cho nên lại càng ít bạn biết đến kỳ thi EJU. Đối với ngay cả những người mà biết đến kỳ thi EJU có thể sẽ không biết về thông tin sau đây. Đó là: Khi thi ở Việt Nam, có một số trường Đại học công lập – tức là trường đại học quốc lập của Nhật Bản – trong những năm gần đây họ có động thái là họ muốn chuyển dịch dần hình thức thi Đại học ngay tại Việt Nam. Có nghĩa là, các trường ấy họ không đợi chúng ta sang Nhật nữa mà họ sẽ mang đề thi sang đến tận Việt Nam để chúng ta ngồi ở Việt Nam được dự thi kỳ thi đại học. Kỳ thi đại học thì có kỳ thi viết và kỳ thi phỏng vấn cũng sẽ tổ chức cho chúng ta ngay ở Việt Nam.
Đặc biệt, một khi các trường đại học quốc lập đã mang kỳ thi sang Việt Nam (mang ra nước ngoài trong đó có Việt Nam) để tổ chức thi tuyền sinh đại học, họ lấy sinh viên vào và đi kèm với chính sách miễn giảm học phí hay là sẽ cho học bổng. Đó là những suất học bổng miễn 100% học phí trong 4 năm đại học. Không những thế, có những trường ngoài việc miễn giảm 100% học phí 4 năm đại học thì người ta còn sắp xếp và chu cấp ký túc xá cho chúng ta ở hoàn toàn miễn phí. Đó là một lợi điểm nữa (khi thi EJU tại Việt Nam).
Anh Dương chia sẻ:
Tính riêng học phí, tính tiền Nhật thì trường Học viện Công nghệ Tokyo mình đang theo học nó sẽ cao hơn các trường quốc lập khác tầm 10 Man – 63 Man/ năm. Các trường Quốc Lập Trung bình sẽ là 53 Man/năm. Quy ra tiền Việt sẽ tầm khoảng 70 – 80 triệu, 90 triệu gì đấy. Quy ra thời giá hiện tại của tiền Việt thì các trường Quốc Lập nó rơi khoảng tầm 80 mươi mấy triệu, với trường mình thì có thể đến 90 mấy triệu, 100 triệu gì đấy.
Theo mình thì cũng không đến mức là đắt lắm so với đại học ở Việt Nam. Đại học Việt Nam bây giờ nếu bạn học trường tư thì nó cũng rơi vào học phí như vậy. Mình nghĩ học phí bên Nhật nếu các bạn học trường công thì rất là lợi thế về tiền học.
3. Tri ân và kết thúc chương trình
Kính thưa quý vị và các bạn.
Kính thưa các anh Sempai.
Buổi Talkshow hôm nay, với chủ đề Chương trình học EJU, chúng ta đã được Thầy Hưng chia sẻ rất nhiều thông tin bổ ích.
Thay mặt Trung tâm Nhật ngữ Đông Du Đà Nẵng, xin chân thành cảm ơn các anh đã dành thời gian quý báu tham gia và chia sẻ trong chương trình. Kính chúc các anh luôn được nhiều sức khỏe, an lành và gặt hái được nhiều thành tựu trong sự nghiệp.
Xin chân thành cảm ơn tất cả quý vị đã quan tâm, tham gia và theo dõi trên tất cả các kênh thông tin, bao gồm: Google Meet, Youtube, Facebook, Zalo.
Hi vọng chương trình ngày hôm nay để lại ấn tượng tốt đẹp và mang lại lợi ích thật sự đến cho tất cả chúng ta.
Một lần nữa xin trân trọng cảm ơn và xin được khép lại chương trình ở đây.
どうも ありがとうございました。